Danh Mục
Có nhiều cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết, tùy thuộc và từng vùng miền và những sở thích khác nhau của mỗi người. Đồ Bé Gái sẽ giới thiệu ý nghĩa của mâm ngũ quả và những cách chưng trái cây ngày Tết đơn giản, dễ làm qua bài viết dưới đây.
1Mâm ngũ quả là gì?
Mâm ngũ quả thường là mâm trái cây có khoảng từ 5 loại khác nhau, dùng để bày biện trên bài thờ tổ tiên hoặc bàn tiếp khách và thường có trong những ngày Tết Nguyên Đán của người Việt.
Cách chưng mâm ngũ quả ngày tết thường thể hiện mong ước của gia chủ trong năm mới, được thể hiện qua tên gọi, màu sắc và cách trưng bày, sắp xếp các loại trái cây. Ngày nay, mâm ngũ quả đã thay đổi nhiều, với ý nghĩa dùng trang trí cho không gian ngày tết nhiều hơn ý nghĩa tâm linh.
2Ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết
Mâm ngũ quả là một trong những món quan trọng trên bàn thờ gia tiên trong dịp Tết. Chưng mâm ngũ quả mang ý nghĩa là thể hiện lòng hiếu kính và ước mong mọi việc tốt lành trong năm mới.
Theo người xưa, tất cả mọi vật chất đều được tạo thành bởi 5 yếu tố ban đầu, đó là: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ (gọi là ngũ hành). Và tư tưởng ấy đã thâm nhập sâu sắc vào đời sống văn hóa của nước phương Đông, trong đó có người Việt, và được thể hiện trên cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết.
Theo quan niệm nhân gian thì “ngũ quả” để chỉ sự tập trung đầy đủ của những loại trái cây trong trời đất. Con số 5 là một số rất tốt trong phong thủy, thể hiện sự phát triển bền vững và mạnh mẽ. Do đó, mâm ngũ quả thể hiện mong muốn âm dương, đất trời hòa hợp, sinh sôi nảy nở và phát triển.
Chính vì vậy, ông cha ta bao đời đã chọn 5 loại trái cây cúng vào đêm giao thừa với ngụ ý: những sản vật này được tạo nên từ biết bao nhiêu công sức, mồ hôi và nước mắt của người lao động, nay kính dâng lên đất trời trong giờ phút giao thừa, thời khắc bắt đầu của vạn vật.
3Những điều kiêng kị trong mâm ngũ quả ngày Tết
Bày hoa quả giả
Nhiều gia đình có thói quen chưng hoa quả giả trên bàn thờ vì tiết kiệm chi phí và để được lâu. Tuy nhiên, việc bày biện đồ giả trên bàn thờ là một điều cấm kỵ. Hoa, quả thật thể hiện sự chân thành, tôn kính của con cháu dành cho ông bà tổ tiên.
Rửa trái cây sạch sẽ để bày lên mâm ngũ quả đẹp
Nhiều chị em có thói quen khi mua trái cây về để chưng mâm ngũ quả thường rửa thật cẩn thận. Tuy nhiên, việc rửa nước sẽ làm trái cây sớm bị héo hoặc hư, thối nếu có chỗ đọng nước. Do đó, chị em chỉ cần dùng khăn giấy ẩm lau sạch trái cây là được.
Đối với những quả bưởi có vỏ bị ố vàng hoặc mốc xanh, có thể hòa chút nước và vôi sạch, thấm vào khăn lau đều lên quả bưởi sẽ giúp cho vỏ vàng mà không lo đọng nước hoặc héo.
Chọn quả chín đẹp
Thông thường, chưng mâm ngũ quả sẽ được chuẩn bị trước 30 Tết, do đó việc mua trái cây sẽ sớm hơn, khoảng 27 – 28 Tết và duy trì mâm ngũ quả vài ngày sau, có thể đến hết Mồng 3 hoặc hơn. Do đó, khi mua trái cây không nên chọn những trái chín vì khi bày lên bàn thờ có thể bị mềm, nhũn, lá héo, mất thẩm mỹ.
Ví dụ khi chọn cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết có chuối thì nhất định phải chọn chuối xanh để đủ cứng cáp, làm khung đỡ những trái cây khác và còn đảm bảo đúng ý nghĩa màu sắc theo thuyết Ngũ Hành.
Chọn các loại trái cây có gai, mùi nồng
Nên tránh chọn những loại trái cây có gai nhọn, mùi quá nồng và có vị cay, đắng như: sầu riêng, mít, chôm chôm, tiêu, cà chua, me, thanh trà… để chưng lên bàn thờ vì mang những ý nghĩa không may mắn.
Lưu ý: không được chọn những loại có quả mọc sát đất, gần nơi ô uế hoặc quả dại…
4Những loại trái cây thường có trong mâm ngũ quả
Những loại quả phổ biến khi chưng mâm ngũ quả ngày Tết
- Chuối: chuối có hình rất đặc trưng, giống với bàn tay ngửa, biểu tượng cho sự chở che, bao bọc. Theo phong thủy, chuối tượng trưng cho may mắn và đủ đầy. Do đó, chưng chuối trên bàn thờ sẽ thu hút tiền tài và sự may mắn ở mọi mặt trong cuộc sống.
- Phật thủ: hình dáng của quả phật thủ được ví như bàn tay Đức Phật. Do đó, loại quả này được nhiều người dùng để chưng trên mâm ngũ quả, với mong muốn gia đình sẽ luôn được các vị thần chở che, có thể vượt qua mọi sóng gió cuộc đời.
- Đào: mọi người thường cho rằng đào là loại quả biểu tượng cho sự trường tồn và bất tử. Ngoài ra, loại quả này còn là một trong những biểu tượng trong phong thủy nhiều người yêu thích. Đào đại diện cho sự may mắn, thăng tiến và còn là biểu tượng cho tình yêu và hôn nhân.
- Hồng, cam, quýt là những loại trái cây có màu sắc đẹp và mùi hương dịu nhẹ. Mọi người chưng những loại trái cây này trên mâm ngũ quả với hy vọng mang đến sự thịnh vượng, may mắn và mùi hương sẽ có thể xua đuổi điều xui xẻo và mang điều lành đến cho gia đình.
- Nho: là biểu tượng của sự sinh sôi và nảy nở, ngoài ra còn đại diện cho sự thành công. Theo phong thủy, chùm nho là biểu tượng liên quan các vấn đề sinh nở. Mọi người chưng nho trên mâm ngũ quả ngày Tết với mong muốn gia đình, con cái hòa thuận, khỏe mạnh và con đàn cháu đống.
- Dứa: hay còn gọi là quả thơm, với tên gọi thể hiện cho sự mong muốn của mọi người về những điều tốt lành, thơm thảo. Loại quả này mang ý nghĩa thành công, may mắn và thịnh vượng vững bền.
- Đu đủ: là biểu tượng của sự đầy đủ, sung túc và thịnh vượng. Chính bởi cái tên đã nói lên niềm mong ước của mọi người trong năm mới là sự đủ đầy về mặt vật chất và tinh thần.
- Dưa hấu: Trong phong tục của người Việt Nam, ngày Tết chưng dưa hấu trên bàn thờ không chỉ là trang trí cho đẹp mà còn có ý nghĩa về cầu sự may mắn, thịnh vượng và tài lộc cho gia đình.
5Cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết – miền Bắc
Cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Bắc
Cách thực hiện
- Trong cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Bắc, nải chuối xanh bao giờ cũng được đặt ở phía dưới cùng để trông giống như bàn tay nâng đỡ, bao bọc.
- Tiếp đến sẽ là quả phật thủ hoặc quả bưởi đặt ở giữa nải chuối.
- Đặt 2 quả thanh long đối xứng sang 2 bên.
- Bày trí các loại quả khác xung quanh sao cho cân đối, hài hòa.
6Cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết – miền Trung
Người miền Trung chọn cách chưng mâm ngũ quả bằng những loại trái cây có sẵn
Cách thực hiện
- Đặt quả bưởi ở giữa dĩa, nải chuối và quả đu đủ đặt sang 2 bên.
- Đặt quả dưa hấu lên trên nải chuối và cố định bằng quýt, dưa hoàng kim.
- Mặt phía trước bao gồm xoài, thanh long, dưa hoàng kim.
- Phía sau gồm dứa và quýt. Trang trí quýt Thái sao cho cân đối là xong.
Với cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết miền Trung, mọi người thường không quá câu nệ về mặt hình thức và thường lựa chọn bất kỳ loại trái cây sẵn có.
7Cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết – miền Nam
Cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết của người miền Nam
Cách thực hiện
- Đặt quả dừa ở giữa dĩa và xếp ở phía mặt sau là quả dứa, hai bê lần lượt là quả đu đủ và quả thanh long.
- Xếp các quả quýt xung quanh thành dĩa
- Đặt quả mãng cầu và quả xoài ở lớp phía trên
- Có thể điểm vài hoa mai trang trí tùy thích.
Có thể nói, cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết ở miền Nam gần như thể hiện lại tính cách của những người dân nơi đây, đơn giản không cầu kỳ nhưng đầy đủ những mong muốn cho năm mới tốt đẹp.
8Cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết – mâm quả may mắn
Mâm ngũ quả với ý nghĩa mong muốn sự may mắn
Cách thực hiện
- Đầu tiên đặt quýt lớn vào trong lòng dĩa.
- Đặt xen kẽ 1 quả xoài cùng với 1 quả quýt trên thành dĩa
- Tiếp đến, đặt quả thanh long ở phần trung tâm (phía trên quýt), đặt 1 quả quýt và lê để giữ thanh long có thể đứng vững.
- Xung quanh quả thanh long sắp xếp phật thủ, vú sữa cho cân đối.
- Cuối cùng, đặt ớt vào giữa những quả xoài, quýt Thái trang trí vào những khoảng trống là xong.
9Cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết – mâm quả an khang
Ảnh minh họa mâm ngũ quả an khang
Cách thực hiện
- Đầu tiên, đặt quả dưa hấu vào giữa dĩa, sau đó xếp quýt to xung quanh thành dĩa.
- Đặt quả phật thủ và quả lê giữ vững dưa hấu ở mặt trước và mặt sau sẽ là xoài và quýt.
- Đặt thêm vào bên cạnh quả dưa hấu là táo và một quả vú sữa ở phía tầng trên.
- Cuối cùng, trang trí ớt xung quanh dĩa ở giữa những quả quýt. Trang trí quýt Thái ở khoảng trống theo ý thích.
10Cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết – mâm quả thịnh vượng
Cách chưng mâm ngũ quả thịnh vượng dễ làm, đẹp mắt
Cách thực hiện
- Đặt nải chuối vào giữa dĩa.
- Xung quanh nải chuối thêm vào 2 quả vú sữa, 1 quả xoài và 2 quả táo ở mặt trước sao cho đối xứng hai bên.
- Bên cạnh nải chuối đặt vào mỗi bên 2 quả quýt to xếp chồng lên nhau.
- Đặt quả thanh long lên giữa nải chuối, xung quanh là quả phật thủ, quả lê và quả xoài.
- Đặt quả mãng cầu ở mặt phía sau, xung quanh thành dĩa trang trí ớt và quýt Thái tùy thích.
11Cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết – mâm quả kết hợp hoa
Mâm ngũ quả kết hợp hoa
Cách thực hiện
- Nhúng ướt phần xốp cắm hoa.
- Tỉa gọn các nhánh cau non cắm đối xứng hai bên trên phần xốp.
- Cắm 3 nhánh nụ tầm xuân ở phần giữa xốp và cắm 4 nhánh hồng ở phần trung tâm, sao cho có sự chênh lệch chiều cao, đẹp mắt.
- Cố định các loại quả bằng keo dính và lần lượt đặt đu đủ, dừa, xoài, mãng cầu lên dĩa, xung quanh hoa.
- Đặt chùm sung lên phía trên ngay vị trí trung tâm.
- Trang trí bằng những hoa và lá nhỏ ở những khoảng trống tùy thích.
12Cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết – mâm quả đơn giản
Mâm ngũ quả đơn giản, dễ làm
Cách thực hiện
- Xếp 5 quả cam xanh ở phía dưới đáy dĩa.
- Cắt xốp cắm hoa và đặt vào phần giữa những quả cam.
- Tiếp tục xếp 3 quả cam ở tầng thứ 2, có thể cố định những quả cam lại với nhau bằng keo dính.
- Cắm hoa cát tường vào những khoảng trống giữa các quả cam.
- Phần đỉnh cắm các nhánh cát tường và hoa ly là xong.
13Đôi lời từ Đồ Bé Gái
Cách chưng mâm ngũ quả ngày Tết thường thể hiện mong muốn cho gia đình sẽ được mọi điều như: Phúc (phúc đức), Lộc (giàu có), Thọ (tuổi thọ), Khang (sức khỏe) và Ninh (bình an). Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên của mỗi người dân Việt, mong muốn một năm mới mọi điều như ý. Hy vọng qua những cách chưng mâm ngũ quả mà Đồ Bé Gái chia sẻ sẽ giúp gia đình có thêm nhiều chọn lựa trang trí phù hợp.
Ngọc Hà tổng hợp
Kiểm duyệt bởi Anh Thư