Hạ canxi máu ở trẻ em có biểu hiện thường không rõ ràng nhưng đem lại nhiều hậu quả nghiêm trọng nếu không phát hiện sớm. Sau đây, Đồ Bé Gái sẽ cùng các mẹ tìm hiểu về hạ canxi máu, ảnh hưởng và cách phòng ngừa hiệu quả nhé.

1Tầm quan trọng của canxi đối với trẻ

Canxi đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của xương và răng. Nếu bị thiếu canxi, trẻ dễ bị còi xương, chậm lớn, dễ bị sâu răng, răng mọc không đều. Canxi cũng hỗ trợ quá trình đông máu, quá trình dẫn truyền thần kinh, hoạt động của tế bào và các enzym.

Khi bị thiếu canxi, tình trạng hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh sẽ xảy ra, dẫn đến một số loại biến chứng nặng nề. Ngoài ra, thiếu canxi cũng có thể gây tử vong. 

2Hạ canxi máu là gì?

Hạ canxi đường huyết hay còn gọi là hạ canxi máu là thuật ngữ chỉ tình trạng nồng độ canxi trong máu thấp hơn giới hạn chuẩn bình thường. Bình thường chỉ số canxi máu là trên 8,8 mg/dl với nồng độ huyết thanh toàn phần.

3Các dạng hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh

Có hai dạng hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh, như sau:

  • Hạ canxi máu khởi phát sớm trong vòng 2 ngày đầu sau sinh.
  • Hạ canxi máu khởi phát muộn (> 3 ngày) là hiện tượng hiếm gặp hơn.

Các yếu tố nguy cơ gây hạ canxi máu khởi phát sớm ở trẻ bao gồm: trẻ sinh non, mẹ bầu bị đái tháo đường, trẻ bị ngạt chu sinh.

Trẻ không được bú sữa mẹ mà uống sữa bò hoặc sữa công thức có hàm lượng phosphat quá cao, tăng phosphat huyết thanh dẫn đến hạ canxi huyết. Đây thường là nguyên nhân của hiện tượng hạ canxi máu khởi phát muộn ở trẻ.

Một số trẻ bị suy tuyến cận giáp bẩm sinh do hội chứng DiGeorge hoặc bị rối loạn hóc-môn tuyến cận giáp có thể bị hạ canxi máu sau sinh và kéo dài đến khi trẻ trưởng thành.

4Trẻ nào có nguy cơ bị hạ canxi máu?

Bất kỳ ai cũng có thể gặp trường hợp hạ canxi máu. Nhưng không phải trẻ sơ sinh nào cũng có nguy cơ bị hạ canxi máu. Những trẻ sau đây có nguy cơ bị hạ canxi máu nhiều hơn trẻ khác:

  • Trẻ sinh non hoặc trẻ nhẹ cân do tuyến cận giáp chưa phát triển hoàn thiện
  • Trẻ sinh khó.
  • Trẻ có mẹ mắc bệnh tiểu đường.
  • Trẻ có vấn đề về nhau thai, canxi không qua được nhau thai khiến trẻ chậm phát triển từ trong bụng mẹ.
Hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh

Trẻ sinh non có nguy cơ bị hạ canxi máu 

Xem ngay:  Nguyên nhân viêm mũi dị ứng ở trẻ em và cách phòng ngừa hiệu quả

5Nguyên nhân hạ canxi máu ở trẻ

Có nhiều nguyên nhân gây ra hạ canxi máu ở trẻ:

  • Trẻ không được cung cấp đủ canxi từ trong bụng mẹ
  • Trẻ bị suy tuyến cận giáp
  • Trẻ không được tắm nắng, tắm nắng sai cách, dẫn đến thiếu hụt vitamin D. Thiếu vitamin D làm cho việc hấp thụ canxi không hiệu quả.
  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc gây nhiễm trùng huyết
  • Mẹ bầu và sau khi sinh con ăn uống thiếu dưỡng chất, nhất là canxi, dẫn đến bé thiếu canxi khi đang bú mẹ.
  • Trẻ bị dị tật tuyến giáp bẩm sinh
  • Trong quá trình ra đời, trẻ bị ngạt thở do thiếu oxy
  • Mẹ bị đái tháo đường thai kỳ hoặc ngộ độc thai nghén
  • Nồng độ albumin, magie máu thấp.
  • Trẻ em ở 2 tuần đầu sau sinh có nhu cầu phát triển xương mạnh, đòi hỏi lượng canxi nhiều. Hiện tượng hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh thường xảy ra trong giai đoạn này do sữa mẹ không đủ lượng canxi bé cần.
  • Trẻ sinh thiếu tháng, trẻ được nuôi bằng sữa bò có nhiều photphat, trẻ còi xương sớm.

6Biểu hiện hạ canxi máu ở trẻ

Các biểu hiện hạ canxi máu ở trẻ sơ sinh không rõ ràng. Hoặc sẽ có một số triệu chứng sau:

  • Trẻ quấy khóc, không chịu bú hay ăn.
  • Trẻ khó thở, thở mạnh hơn, ít chơi đùa vận động.
  • Co rút cơ, nặng hơn là co giật, động kinh.
  • Trẻ dễ bị giật mình, hay ngủ gà. 
  • Trẻ hay khóc thét nhiều giờ liền, suốt đêm. Mặt tím tái hoặc đỏ. Đôi khi có cơn ngưng thở trong khi khóc.
  • Tóc rụng thành hình vành khăn ở sau gáy.
  • Tăng phản xạ gân xương.
  • Trẻ dễ bị ọc sữa.
  • Nhịp tim nhanh. 
Triệu chứng hạ canxi máu

Tóc rụng thành hình vành khăn là biểu hiện của hạ canxi máu

7Biến chứng của tụt canxi máu

Hạ canxi máu nếu không được điều trị tốt thì lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hệ xương và gây còi xương sớm, gù vẹo cột sống, biến dạng xương. Một số trẻ bị thiếu canxi nặng có thể dẫn đến suy tim, ngưng thở, thậm chí tử vong.

8Điều trị trẻ bị hạ canxi máu

Đa số hạ canxi máu trong 2 ngày đầu sau sinh sẽ ổn định lại sau đó mà không cần điều trị. Còn trẻ sơ sinh bị hạ canxi máu khởi phát muộn cần được bổ sung canxi qua chế độ ăn hoặc truyền dịch đường tĩnh mạch.

Điều trị hạ canxi khởi phát muộn ở trẻ chủ yếu là bổ sung calcitriol hoặc canxi vào sữa cho đến khi trẻ duy trì được mức canxi bình thường. Mẹ nên chọn sữa có hàm lượng phosphat thấp nếu trẻ vừa hạ canxi máu vừa có kèm suy giảm chức năng thận.

Hàm lượng sucrose cao trong các chế phẩm canxi đường uống có thể gây tiêu chảy ở trẻ sinh non. Cha mẹ cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện khi thấy trẻ có những diễn biến không bình thường.

Xem ngay:  Top 15 bệnh viện, phòng khám tai mũi họng uy tín TPHCM

Nếu trẻ có co giật, cơn Tetani hay suy tim liên quan đến hạ canxi máu thì cần đưa trẻ nhập viện ngay và điều trị bằng các phương pháp sau:

  • Calcium gluconate 1 – 2 mg/kg IV trong 10-15 phút, sau 10 phút lặp lại liều tương tự nếu cần. Nên pha vào dung dịch glucose 5% hoặc 10% với tỷ lệ 1 : 1 nếu cấp cứu hoặc 1 : 5 nếu không khẩn cấp
  • Chuyển sang điều trị Spasmophilie (duy trì) khi trẻ có co giật.
  • Mắc monitor theo dõi nhịp tim
  • Xét nghiệm, kiểm tra ion máu

Nguyên tắc điều trị hạ canxi máu là bổ sung lượng canxi thiếu hụt bằng các phương pháp như tiêm, truyền tĩnh mạch hoặc qua đường uống. Sau khi điều trị canxi máu ổn định bác sĩ sẽ tiếp tục điều trị những bệnh lý nền gây ra tình trạng hạ canxi máu.

Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ sử dụng thuốc hoặc các sản phẩm bổ sung canxi mà không tham khảo ý kiến của bác sĩ. Việc cung cấp dư thừa canxi cũng gây ra những tác hại không tốt cho trẻ.

9Biện pháp phòng ngừa hạ canxi máu ở trẻ

Mẹ bầu cần chú ý một số lưu ý sau để tránh tình trạng trẻ sơ sinh bị hạ canxi máu:

  • Ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, ăn thực phẩm chứa canxi như sữa, các chế phẩm từ sữa, các loại hạt ngũ cốc, lòng đỏ trứng gà, rau có màu xanh đậm, thủy hải sản như tôm, cua…
  • Khám thai định kỳ
  • Tiếp tục duy trì ăn uống đầy đủ sau sinh, không kiêng ăn hải sản và các loại thực phẩm chứa nhiều canxi khác
  • Ngay sau sinh hãy cho trẻ bú sớm. Cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và kéo dài đến khi trẻ 2 tuổi.
Hạ canxi máu ở trẻ

Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi giúp phòng ngừa hạ canxi máu ở trẻ

Trẻ ở những độ tuổi khác nhau thì cơ thể sẽ cần bổ sung lượng canxi khác nhau. Cha mẹ có thể tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn phù hợp, cung cấp đủ canxi cho trẻ.

Mỗi ngày trẻ cần tắm nắng đúng cách từ 3 – 10 phút trước 9 giờ sáng và sau 3 giờ chiều, ánh nắng sẽ giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, từ đó canxi được hấp thu hiệu quả hơn.

Cha mẹ có thể cung cấp thêm canxi và vitamin D cho trẻ bằng lineabon k2+d3, viên uống thực phẩm chức năng, thuốc bổ, sữa bột,… Nhưng nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng. 

10Đôi lời từ Đồ Bé Gái

Hạ canxi máu ở trẻ có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Chế độ ăn uống của mẹ khi mang thai và cho con bú rất ảnh hưởng đến lượng canxi của trẻ sơ sinh. Hy vọng với những thông tin trên đây đã giúp các mẹ hiểu hơn về căn bệnh này và có cách phòng ngừa phù hợp.

Những thông tin cung cấp trong bài viết của Đồ Bé Gái/Vũ trụ bỉm sữa chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Quỳnh tổng hợp

Kiểm duyệt bởi Trúc Lâm

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *